Có lẽ xem xong trận đấu vừa qua của đội tuyển Việt Nam trước Australia trên sân Mỹ Đình ở vòng loại thứ 3 Worldcup 2022, chẳng mấy ai cảm thấy vui vẻ gì, vì đội nhà vừa thua mà. Thế nhưng cá nhân tôi lại cảm thấy sướng.
Sướng ở đây là gì? Là sướng khi thấy đội bóng của chúng ta không còn phải căng mình ra đá phòng ngự cả trận nữa. Là sướng khi nhìn thấy đội tuyển của chúng ta đã có những thay đổi tích cực hơn rất nhiều so với trận trước. Và sướng là vì sau khi thua trận, chúng ta còn có được cảm giác của sự tiếc nuối.
Việt Nam trong trận này vẫn nhập cuộc với một hệ thống lùi sâu cùng một tư duy thận trọng, chủ động phòng ngự tìm cơ hội như trong trận đấu trước Saudi Arabia ở lượt trận đầu tiên. Thế nhưng, nếu để ý kỹ, đội tuyển của chúng ta trong trận này đã thi đấu khởi sắc hơn rất nhiều. Không còn hình ảnh một đội bóng chơi phòng ngự chịu trận trước Saudi Arabia, Việt Nam trong trận này đã chơi phòng ngự chủ động hơn, khao khát đoạt lại quả bóng hơn và cũng bình tĩnh hơn rất nhiều trong các pha triển khai thoát pressing để chuyển đổi trạng thái từ phòng ngự sang tấn công.
Khối đội hình giăng ngang 5-4-1 khi không có bóng trong trận trước được thay đổi dần thành 5-3-2 hay 5-3-1-1, qua đó giúp chúng ta có thêm quân số cho mặt trận tấn công ở phía trên. Hệ quả cho những sự thay đổi này chính là số lượng các tình huống phản công trong hiệp 1 trận này xuất hiện thường xuyên hơn rất nhiều với trận đấu trước.
Một vài điều tiếc nuối của chúng ta trong hiệp 1 có chăng là vị trí của cặp đôi Văn Đức, Tiến Linh trên hàng công khi họ chưa làm tốt nhiệm vụ giữ bóng và làm tường để tạo ra các pha phản công chất lượng, bên cạnh những pha xử lý cuối cùng chưa thật sự chính xác trong các tình huống phản công. Trong khi đó, bàn thua ở những phút cuối hiệp cũng chỉ đến sau một pha tạt bóng khó chịu từ tiền vệ Australia, cùng một thoáng mất tập trung của hàng phòng ngự.
Sang đến hiệp 2, những điều chỉnh của thầy Park thật sự đã mang lại một bộ mặt mới dành cho đội tuyển của chúng ta. Đó là sự xuất hiện của Văn Toàn thay Tuấn Anh, chuyển đội hình sang 3-4-3 để tận dụng tối đa tốc độ của VT9 trong các pha thả bóng ra sau hàng thủ đối phương. Hệ quả ngay lập tức đến khi chúng ta có không dưới 1 lần có được cơ hội từ những tình huống bứt tốc của tiền đạo HAGL.
Một sự thay đổi ấn tượng khác có thể kể đến tiền vệ Đức Huy. Sự góp mặt của tiền vệ Hà Nội FC đã giúp chúng ta cải thiện khả năng tranh chấp, qua đó nâng cao được hiệu quả trong các tình huống pressing tại khu vực 1/3 giữa sân. Tuyến giữa Việt Nam trong hiệp 2 cũng cầm bóng tốt hơn rất nhiều, các cơ hội cũng vì thế mà xuất hiện nhiều hơn. Thậm chí vào một vài thời điểm, Việt Nam còn tổ chức được các pha triển khai bóng từ phần sân nhà và tạo ra được khá nhiều tình huống uy hiếp khung thành đối phương.
Con số 11 cú sút so với 6 bên phía Australia là một minh chứng rõ nét cho những sự khởi sắc mà chúng ta đã tạo ra, đặc biệt là trong hiệp 2 trận này. Những sự khởi sắc trong hiệp thi đấu thứ 2 với sự góp mặt của Đức Huy, Văn Toàn hay sau đó là Đức Chinh có thể sẽ là một vài gợi ý cho thầy Park trong những trận đấu tiếp theo, trong bối cảnh tuyến tiền vệ Việt Nam có thừa yếu tố kỹ thuật nhưng yếu trong khả năng tranh chấp, trong khi những Văn Đức hay Tiến Linh trong giai đoạn này cảm giác như đang chưa có được cảm giác chơi bóng tốt nhất.
Bên cạnh những sự thay đổi tích cực trong hệ thống và con người, một vài cái tên trong đội hình xuất phát của Đội tuyển Việt Nam trong trận đấu tối qua cũng đã có một màn trình diễn tương đối ấn tượng. Đó là là một Hoàng Đức vẫn đầy tự tin trong các pha giữ bóng, kéo bóng và thoát pressing nơi tuyến giữa. Đó là một Quang Hải vẫn luôn thi đấu ổn định và tròn vai cả trong vai trò hỗ trợ triển khai bóng và tấn công. Và đó còn là đôi cánh Trọng Hoàng, Hồng Duy, một người giàu năng lượng, nhiệt huyết, một người khéo léo, tốc độ. Chính bộ đôi này đã đóng góp rất nhiều cả trong mặt trận phòng ngự và tấn công của các chiến binh sao vàng. Bên cạnh đó, hàng phòng ngự với những Ngọc Hải, Tiến Dũng và Thành Chung cũng đã có một ngày thi đấu thành công dù 2 trong số đó vẫn đang phải nén đau để ra sân.
Đã có những sự tiếc nuối, rằng nếu như chúng ta được hưởng quả penalty, cũng như hàng phòng ngự không có những thoáng mất tập trung trong những phút cuối hiệp 1, có lẽ chúng ta đã có được ít nhất là một trận hòa đầu tiên trong khuôn khổ vòng loại thứ 3 World Cup này. Đó có lẽ sẽ là một kết quả có phần hợp lý hơn rất nhiều, trong một ngày mà Việt Nam đã chơi đầy khởi sắc trong khi con đường duy nhất để các cầu thủ đội khách tiếp cận khung thành Đặng Văn Lâm chỉ là những quả tạt từ 2 biên.
Nhưng thôi, hãy cứ “sướng” đi vì chúng ta đã chơi tốt trước một Australia được đánh giá cao hơn rất nhiều. Tôi tin là sau 2 trận đấu đã qua, Đội tuyển Việt nam sẽ biết cách học tập từ thất bại, lấy đó làm kinh nghiệm và tiếp tục bước tiếp. Nếu cứ tiếp tục giữ được những sự khởi sắc như trong trận đấu vừa qua, chúng ta hoàn toàn có thể chờ đợi vào những kết quả tốt trong những trận đấu tiếp theo. Còn nếu không, thì đó cũng sẽ là những bài học đầy quý báu cho một nền bóng đá Việt Nam phát triển hơn sau này.
Phân tích chiến lược xây dựng ĐTQG Việt Nam của Park Hang-seo
–
MENBACK.COM