Vì sao đồng hồ đeo tay chẳng hề hấn gì khi bị sốc mạnh?
Khi bước vào thế giới đồng hồ, chắc chắn các bạn sẽ không khỏi choáng ngợp bởi vô vàn kiến thức mới mẻ và thuật ngữ chuyên ngành để khám phá, nhưng nếu không hệ thống thì hẳn rất khó để tìm hiểu đặc biệt là đối với những ai vừa bắt đầu chơi đồng hồ. Với một chiếc đồng hồ đeo tay, ngoài khả năng kháng nước, kháng từ trường và có độ chính xác tối đa thì khả năng chống sốc cũng là một yếu tố rất quan trọng.
Như bạn đã biết, đồng hồ đeo tay vận hành thông qua một cơ cấu đặc biệt gồm các chi tiết phức tạp được gắn kết liền mạch với nhau, chính vì thế khi xảy ra va chạm hoặc bị rơi, ngay lập tức bánh xe cân bằng sẽ có khuynh hướng dồn lực về phía ngược lại với vị trí chịu tác động. Lúc này lực sẽ truyền vào các đầu trục đặt trên chân kính, dẫn đến vỡ chân kính hoặc gãy đầu trục.
Do đó, để hạn chế tối đa các hư hại cho bộ máy đồng hồ khi tình huống xấu không may xảy ra, các nhà sản xuất đồng hồ đã cho ra đời cơ chế chống sốc cho đồng hồ cơ, nhưng phổ biến nhất có lẽ là Incabloc được phát minh bởi kỹ sư người Thụy Sĩ Fritz Marti vào năm 1928, sau đó trải qua nhiều lần hoàn thiện rồi được cấp bằng sáng chế vào năm 1934.
Hệ thống chống sốc này có tác dụng bảo vệ, ngăn không cho trục roto và chân kính bị hư hại khi đồng hồ gặp các cú sốc mạnh.
Theo sự phát triển của đồng hồ đeo tay cũng như sự phổ biến của bộ máy ETA cùng khả năng chống sốc hiệu quả, Incabloc không chỉ là hệ thống chống sốc phổ biến nhất trên đồng hồ Thụy Sĩ mà còn rất thông dụng trên toàn thế giới, thậm chí qua mặt cả các đối thủ, như KIF, Seiko Diashock, Citizen Parashock, Omega NIVACHOC, ETA Etachoc… kể cả nhãn hiệu cùng công ty là Novodiac.
Hệ thống chống sốc Incabloc gồm Bệ giữ (Bloc), Ðai giữ (Chaton), Chân kính chống sốc (Shock Protection Jewel), Chân kính mũ (Cap Jewel), Ðai đàn hồi (Ressort-lyre) có hình dạng tương tự như đàn lia cho phép trục roto di chuyển nhẹ ở cả hai bên và theo chiều thẳng đứng.
So với phiên bản hiện đại, phiên bản Incabloc 1934 sử dụng đến hai đai đàn hồi thay vì chỉ một đai ở phía trên chân kính mũ như ngày nay, các đai đàn hồi cũng có hình nón tam giác. Marti đã tiếp tục cải thiện phát minh của mình và cuối cùng Incabloc hiện diện trong hình dạng chiếc đàn lia như bây giờ.
Incabloc nhanh chóng trở thành cơ chế chống sốc phổ biến nhất thế giới với hơn 500 triệu bộ được sản xuất vào giữa những năm 1970.
Trong thời hoàng kim, hệ thống chống sốc đồng hồ Incabloc có tầm ảnh hưởng lớn đến mức các thương hiệu đồng hồ buộc phải ghi tên chúng trên mặt số.
Một điều rất thú vị khác là đồng hồ Quartz có khả năng chống sốc tốt hơn đồng hồ cơ.
Qua kiểm chứng, các chuyên gia đã đúc kết được rằng khi chịu cùng một tác động, thì đồng hồ Quartz có khả năng chống sốc cao hơn so với đồng hồ cơ.
Vì loại đồng hồ này sở hữu cơ chế điều động bằng tinh thể thạch anh cùng bộ máy liền khối được bao bọc bởi 1 vòng nhựa dẻo dai. Trong khi đồng hồ cơ vì sở hữu một cỗ máy cơ học rất phức tạp, nên khả năng chống sốc sẽ thấp hơn.
Xem thêm:
- Đồng hồ điểm chuông là gì? Nguồn gốc và cơ chế hoạt động của đồng hồ điểm chuông?
- Chiếc đồng hồ đeo trên tay nói gì về con người bạn?
- Đồng hồ cơ và đồng hồ pin: so sánh là khập khiễng