Đế quốc Anh là đế quốc hùng mạnh và có lãnh thổ rộng lớn nhất trong lịch sử nhân loại.
Đế quốc mặt trời không bao giờ lặn là thuật ngữ dùng để chỉ những đế quốc có lãnh thổ rộng lớn đồng thời có tầm ảnh hưởng không chỉ ở một khu vực riêng biệt mà trên toàn thế giới. Trong dòng chảy của lịch sử, chắc chắn rằng, Anh là đế quốc được gắn liền với thuật ngữ trên. Trong quá khứ, vào thời kỳ hoàng kim, Anh được mệnh danh là đế quốc có lãnh thổ rộng lớn nhất của lịch sử nhân loại, trải dài khắp 5 châu nên lẽ dĩ nhiên ánh sáng mặt trời sẽ chẳng bao lụi tắt trên đế quốc này. Hãy theo dõi bài viết ‘Lịch sử hình thành đế quốc Anh’ để khám phá hết quá trình vươn mình trở thành đế quốc vĩ đại của Anh.
Nền móng của đế quốc Anh
Nền móng của đế quốc Anh đã bắt đầu được xây dựng khi Anh và Scotland vẫn còn là hai vương quốc riêng biệt. Cuộc chiến tranh trăm năm (từ 1337 – 1453) với Pháp và dịch bệnh mang tên Cái chết đen hoành hành đã tàn phá xứ Anh một cách triệt để vào cuối thế kỷ 14 đến giữa thế kỷ 15. Bởi những rối ren trong xã hội cộng thêm sự cai trị mềm yếu của vua Henry VI lúc bấy giờ đã dẫn tới một loạt những cuộc nội chiến tranh giành vương vị nước Anh giữa hai nhánh của vương tộc Plantagenet là nhánh York và nhánh Lancaster từ năm 1455 đến năm 1485. Kết quả cuối cùng của những xung đột đẫm máu mà lịch sử gọi là cuộc chiến hoa hồng này đó là một vương triều mới được hình thành – vương triều Tudors.
Sau chiến thắng quyết định ở trận Bosworth Field vào cuối tháng 8/1485, Henry Tudor lên ngôi quốc vương, bắt đầu một thời kỳ lịch sử mới của đế quốc Anh vĩ đại. Henry VII sau khi lên ngôi đã thành lập quân đội riêng đồng thời đàn áp bất cứ lãnh chúa nào có ý định chống đối. Hơn nữa, khi thấy được những thành công của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha sau khi thực hiện những cuộc thám hiểm bằng đường biển, vào năm 1496, ông đã ủy quyền cho John Cabot dẫn đầu một đoàn thám hiểm tuyến đường tới châu Á thông qua Bắc Đại Tây Dương. Anh lúc này đã trở thành một trong những cường quốc quan trọng ở Châu Âu.
Đến năm 1509, Henry VIII lên ngôi và tuyên bố giải thể nhà thờ Thiên chúa giáo, ly khai khỏi giáo hội La Mã rồi thành lập một giáo hội riêng của Vương quốc theo các đạo luật vào năm 1534. Điều này đã cho thấy vị thế của Anh càng ngày càng lớn mạnh, dần thoát khỏi sự ảnh hưởng của đế quốc La Mã và gieo mầm cho đế quốc Anh hùng mạnh trong tương lai.
Bên cạnh đó, ông đã xây dựng lại lực lượng hải quân Anh và củng cố quyền kiểm soát của Anh đối với xứ Wales theo các đạo luật năm 1535–1542; thuộc địa hóa Ireland bằng cách đưa những những người Tin Lành từ Anh và Scotland đến Ireland. Đồng thời thành lập một lực lượng hải quân lớn và lập kế hoạch cho những cuộc thám hiểm lập thuộc địa nhằm thúc đẩy buôn bán.
Triều đại nữ hoàng Elizabeth I
Nữ hoàng Elizabeth I lên ngôi năm 1558 đã đưa nước Anh quay về với tôn giáo cải cách vốn bị thay đổi dưới thời Nữ vương Mary I đồng thời cấp phép tiến hành hàng loạt những cuộc thám hiểm đại dương để mở rộng thuộc địa cho nước Anh. (source)
Vào thời điểm này, cuộc Cải cách Tin Lành khiến cho Anh và vương quốc Tây Ban Nha theo Công giáo trở thành kẻ thù của nhau. Năm 1562, Elizabeth I đã khuyến khích các thuyền trưởng hải tặc như John Hawkins và Francis Drake tiến hành các cuộc tấn công bắt nô lệ chống lại tàu Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha ngoài khơi bờ biển Tây Phi với mục tiêu là thâm nhập vào việc buôn bán nô lệ Đại Tây Dương song đã bị người Tây Ban Nha đẩy lùi.
Năm 1578, Nữ vương Elizabeth I đã ban một giấy phép cho Humphrey Gilbert tiến hành các cuộc khám phá và thám hiểm hải ngoại. Năm 1583, trong chuyến thám hiểm lần này Humphrey Gilbert đã tới được đảo Newfoundland và tuyên bố chủ quyền cảng của đảo này thuộc về Anh, mặc dù không để bất cứ người định cư nào ở lại.
Đến năm 1584, Walter Raleigh được sự cho phép của nữ hoàng đã thiết lập một thuộc địa tại đảo Roanoke trên bờ biển Bắc Carolina ngày nay, tuy nhiên do thiếu đồ dự trữ nên việc thuộc địa hóa đã thất bại.
Năm 1588, vua Tây Ban Nha là Philip đã tập hợp một hạm đội lớn chưa từng thấy phối hợp với đạo quân tinh nhuệ của Công tước xứ Parma, từ Hà Lan tiến đánh vào bờ biển đông nam xâm lược nước Anh. Hạm đội Tây Ban Nha tiến tới Calais và buông neo chuẩn bị cho việc đổ bộ.
Để ngăn chặn nguy cơ đó, người Anh đã dùng những con thuyền trát đầy nhựa cháy và thuốc súng để đánh nghi binh. Quân Tây Ban Nha trúng kế phải nhổ neo bỏ chạy. Thất bại đau đớn với sự tiêu vong của hạm đội hùng mạnh đã khiến Tây Ba Nha từ bỏ hẳn ý định xâm lược Anh.
Công ty Đông Ấn Anh cũng được thành lập năm 1600 để cạnh tranh với người Hà Lan và người Pháp tại phương Đông.
Như vậy, triều đại của nữ hoàng Elizabeth I được coi là một trong những triều đại huy hoàng nhất trong lịch sử Anh quốc, với sự phát triển vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực, đem lại cho hòn đảo sương mù này vị trí số một châu Âu lúc bấy giờ.
Nội chiến Anh
Năm 1603, Quốc vương James VI của Scotland trở thành vua của nước Anh và một năm sau đó, ông đàm phán với người Tây Ban Nha ký vào Hiệp ước Luân Đôn, chấm dứt tình trạng thù địch bấy lâu nay. Để thâu tóm mọi quyền lực vua James đã cố tình phớt lờ vai trò của nghị viện vốn mang tính truyền thống ở Anh, hậu quả là khiến đất nước đứng trước nguy cơ một cuộc nội chiến. Charles I lên ngôi năm 1625 ngay lập tức đã xung đột gay gắt với nghị viện. Bị phản đối vì những hành vi chuyên quyền, ông vua này đã giải tán nghị viện.
Do mâu thuẫn về lập trường chính trị, tôn giáo và xã hội, Nội chiến Anh bùng phát giữa những người ủng hộ Quốc hội và những người ủng hộ Quốc vương Charles I. Cuộc nội chiến này là một phần nhỏ trong hàng loạt các xung đột chằng chịt từ năm 1639 đến năm 1653 diễn ra tại Vương Quốc Anh, Vương quốc Ireland và Vương quốc Scotland.
Trong giai đoạn này, công cuộc thuộc địa hóa Bắc Mỹ và các đảo nhỏ vùng Caribe được tiến hành từ những năm đầu thế kỷ 17 cũng đạt được một số kết quả nhất định. Khu định cư lâu dài đầu tiên của người Anh tại châu Mỹ được thành lập tại Jamestown vào năm 1607 dưới sự quản lý của Công ty Virginia. Nước Anh tiếp đó tiến hành xâm chiếm và tuyên bố chủ quyền đối với Bermuda.
Đặc quyền của Công ty Virginia bị thu hồi vào năm 1624 và vùng đất Virginia nằm dưới sự cai quản trực tiếp của nhà vua, tiếp theo sau đó thuộc địa Virginia được thành lập. Những khu tái định cư lần lượt được thiết lập thành công tại St. Kitts (1624), Barbados (1627) và Nevis (1628). Maryland được thành lập vào năm 1634 để làm nơi cư trú của giáo dân Công giáo La Mã và tiếp sau đó là Rhode Island năm 1636, Connecticut năm 1639.
Đến năm 1649, Vua Charles bị bắt và bị đem ra xét xử vì âm mưu phục hồi chính quyền chuyên chế cũ, đế quốc Anh trở thành một nước cộng hoà dưới sự lãnh đạo của bảo hộ công Cromwell. Nhưng đến năm 1653, quân đội của vị bảo hộ đầy tham vọng này lại làm một cuộc chính biến, đuổi các nghị sĩ, giải tán nghị viện. Chế độ độc tài Cromwell thành lập thay thế cho nền cộng hoà ngắn ngủi.
Để đảm bảo rằng nguồn lợi nhuận đang ngày càng tăng lên của hoạt động thương mại hàng hải vẫn nằm trong tay người Anh, năm 1651 Quốc hội ra sắc lệnh rằng chỉ có tàu Anh mới được phép qua lại để giao dịch trong các thuộc địa của Anh.
Chiến tranh của Anh với Hà Lan, Pháp, Tây Ban Nha
Năm 1655, Anh sáp nhập hòn đảo Jamaica từ tay của người Tây Ban Nha. Trong quá trình thuộc địa hóa, những mâu thuẫn giữa Anh và Hà Lan đã dẫn tới những cuộc chiến tranh. Sự thù địch này chỉ tạm thời dừng lại khi vua James II bị liên minh quốc hội Anh và quân viễn chinh Hà Lan do tổng đốc William xứ Orange lãnh đạo lật đổ năm 1688.
Hòa bình giữa Anh và Hà Lan đã tạo điều kiện để hai quốc gia bước vào chiến tranh Chín năm với tư cách là đồng minh. Tuy nhiên, xung đột tại châu Âu giữa các đế quốc đã dẫn đến kết quả là Anh dần trở thành một thế lực thực dân mạnh hơn Hà Lan.
Năm 1701, Anh, Bồ Đào Nha và Hà Lan đứng về phía Đế quốc La Mã Thần thánh chống lại Tây Ban Nha – Pháp trong cuộc Chiến tranh Kế vị Tây Ban Nha kéo dài cho đến tận năm 1714. Đế quốc Anh đã sáp nhập được nhiều lãnh thổ như Newfoundland và Acadia từ tay người Pháp; Gibraltar và Minorca từ Tây Ban Nha. Gibraltar đã trở thành một căn cứ hải quân trọng yếu và cho phép Anh kiểm soát điểm ra vào Địa Trung Hải.
Cuộc chiến tranh Bảy năm kéo dài từ năm 1756 có quy mô toàn cầu và tham gia của nhiều cường quốc Châu Âu đã kết thúc năm 1763 với chiến thắng thuộc về liên minh Anh – Phổ. Sự kiện ký kết Hiệp định Paris (1763) đã đem lại những hệ quả quan trọng cho tương lai của Đế quốc Anh.
Tại Bắc Mỹ, Pháp phải công nhận yêu sách của Anh đối với Vùng đất Rupert và nhượng lại Tân Pháp cho Anh. Tây Ban Nha nhượng lại vùng đất Florida cho Anh. Cùng với chiến thắng trước người Pháp tại Ấn Độ, cuộc Chiến tranh Bảy năm đã giúp nước Anh trở thành cường quốc hàng hải hùng mạnh nhất thế giới.
Anh công nhận nền độc lập của Hoa Kỳ
Trong các thập niên 1760 và 1770, các quan hệ giữa Mười ba thuộc địa và Anh trở nên căng thẳng hơn. Nhằm đối phó với tình hình đó, Anh phái binh sĩ đi tái lập quyền cai trị trực tiếp, dẫn đến bùng nổ chiến tranh vào năm 1775.
Sang năm 1776, Hợp chúng quốc tuyên bố độc lập. Sau một thất bại quyết định tại Yorktown vào năm 1781, Anh bắt đầu thương lượng các điều khoản hòa bình và công nhận nền độc lập của Hoa Kỳ vào năm 1783. (Đọc thêm: Lịch sử Hoa Kỳ)
Từ những năm 1770, James Cook phát hiện bờ biển phía đông của Úc trong một chuyến hành trình đến khu vực Nam Thái Bình Dương và tuyên bố rằng lục địa này thuộc về nước Anh, ông ta đặt tên cho khu vực này là New South Wales. Trong chuyến hành trình của mình, James Cook cũng đã đặt chân đến New Zealand, sau đó tuyên bố chủ quyền ở vùng đất này.
Cũng trong thời gian này, cuộc cách mạng công nghiệp với tốc độ lớn diễn ra tại Anh đã tạo ra bước ngoặt cho phát triển sản xuất. Những phát minh quan trọng nâng cao năng suất lao động liên tiếp ra đời như máy kéo sợi, máy dệt, máy hơi nước… Lửa của than đá đã thắp sáng cả bầu trời đêm khi người ta sử dụng máy hơi nước.
Chiến tranh của đế quốc Anh với Napoleon
Tuy nhiên đầu thế kỉ 19, người dân xứ đảo lại phải đứng trước một nguy cơ xâm lăng mới của quân đội Pháp do Napoleon thống lĩnh. Hải quân Hoàng gia Anh phong tỏa các cảng của Pháp và giành được một chiến thắng quyết định trước một hạm đội Pháp-Tây Ban Nha tại Trafalgar vào năm 1805.
Cuối 1810 vào năm 1815, chiến thắng của quận công Wellington trong trận Waterloo kết thúc hoàn toàn âm mưu xâm lược Anh của Pháp. Theo những bản hòa ước được ký kết, Pháp phải nhượng lại Malta, Mauritius, Saint Lucia và Tobago; Tây Ban Nha nhượng Trinidad; Hà Lan nhượng Guyana và thuộc địa Cape cho Anh.
Đế quốc Anh – đế quốc hùng mạnh nhất lịch sử thế giới
Công ty Đông Ấn Anh tiến hành mở rộng lãnh thổ của Đế quốc Anh tại châu Á. Quân đội của Công ty gia nhập lực lượng Hải quân Hoàng gia chiếm Java từ Hà Lan (1811), thu nhận Singapore (1819) và Malacca (1824) và đánh chiếm Miến Điện (1826).
Cũng trong thế kỷ 19, Đế quốc Anh và Đế quốc Nga, vốn đang cố gắng mở rộng quyền lực đến khu vực Trung Á đã ganh đua với nhau để lấp đầy các khoảng trống quyền lực bắt đầu từ việc Đế quốc Ottoman, vương triều Qajar và Đại Thanh suy sụp. Lo ngại về ưu thế của Nga tại Địa Trung Hải và Trung Đông đã khiến Anh và Pháp xâm chiếm bán đảo Krym để tiêu diệt năng lực hải quân của Nga. Tình hình tại Trung Á vẫn chưa thể được giải quyết một cách ổn thỏa trong hai thập niên tiếp theo, sau khi Anh sáp nhập Baluchistan vào năm 1876 và Nga sáp nhập Kirghizia, Kazakhstan và Turkmenistan.
Năm 1878, Đế quốc Ottoman đã chuyển giao đảo Síp cho Anh và đổi lại họ sẽ nhận được viện trợ nếu bị người Nga tấn công. Người Anh tiếp tục chinh phục Ai Cập nhằm bảo vệ kênh đào Suez và tuyến đường sang Ấn Độ vào năm 1883. Sau cuộc nổi dậy ở miền Nam Ai Cập do một thủ lãnh tôn giáo là Mahdi lãnh đạo, Anh tiến vào chiếm Sudan năm 1898.
Như vậy, đế quốc Anh đã mở rộng tầm ảnh hưởng tới các thuộc địa sâu trong lục địa ở Trung và Nam Mỹ tới cả Trung Quốc dưới thời Nữ hoàng Victoria trị vì (1837 – 1901). Các thuộc địa ở vùng Caribe, châu Phi, châu Á, Úc – Á, khu vực Thái Bình Dương chịu sự cai trị từ London và thống nhất dưới vương triều Anh. Các hải cảng chiến lược như Gibraltar, Hồng Kông, Singapore và Aden đều rơi vào tay người Anh, các tuyến đường buôn bán trọng yếu như Cape (Nam Phi) từ Anh tới Ấn Độ, tuyến kênh đào Suez (Ai Cập) tới các đồn điền trồng cây gia vị và cao su ở Đông Nam Á cũng do Anh kiểm soát.
Đầu thế kỉ 20, Anh có một lực lượng hải quân vô địch thế giới, trở thành chúa tể của biển khơi cùng một hệ thống thuộc địa rộng khắp gồm Canada, Australia, phần lớn châu Phi, vùng Caribe, Viễn Đông. “Mặt trời không bao giờ lặn trên đất nước Anh” là một câu nói tưởng như không thể tin nổi nhưng lại thể hiện chính xác nhất sự mênh mông bất tận của thuộc địa Anh lúc bấy giờ.
Tuy nhiên, sự vươn lên của các cường quốc khác với tham vọng bá chủ đã khiến Anh bị cuốn vào vòng xoáy của hai cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914 -1918) và thứ hai (1939 – 1945).
Đế quốc Anh trong chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ 2
Thế chiến thứ 1 đã mang lại thắng lợi cho Anh song trên thực tế, thiệt hại là không thể tưởng tượng nổi với nền kinh tế suy thoái, ngân sách trống rỗng, những thành phố bị tàn phá nặng nề. Năm 1919, nền độc lập của Ireland đã được tuyên bố ở Dublin. Quân đội Cộng hòa Ireland đồng thời bắt đầu một chiến tranh du kích chống chính quyền Anh. Chiến tranh Anh-Ireland kết thúc vào năm 1921 trong bế tắc và hai bên ký kết Hiệp định Anh-Ireland thiết lập Quốc gia Tự do Ireland, một quốc gia tự trị nằm trong Đế quốc Anh, với nền độc lập tự chủ thật sự song vẫn có liên kết về hiến pháp với Quân chủ Anh.
Chưa kịp khắc phục hậu quả chiến tranh, Anh tiếp tục bước vào cuộc chiến tranh thế giới thứ 2. Lần này, tiềm lực của đế quốc hùng mạnh trong quá khứ đã không còn, Anh thất bại liên tiếp trên nhiều mặt trận ngay từ buổi đầu cuộc chiến. Tuy sau đó, với sự can thiệp của Mỹ, phe đồng minh gồm Anh đã đánh bại phe phát xít song thực tế Anh mất hầu như toàn bộ thuộc địa của mình ở Đông Nam Á vào tay quân Nhật trong chiến tranh.
Đế quốc Anh suy tàn
Từ sau năm 1945, đế quốc Anh bắt đầu suy tàn khi phong trào giải phóng thuộc địa dâng cao trên khắp thế giới. Anh phải trao trả độc lập cho Ấn Độ – thuộc địa giàu có nhất của mình vào năm 1947. Sau đó, các thuộc địa còn lại của Anh cũng dần dần giành được độc lập, đánh dấu sự kết thúc của đế quốc hoàng kim.
Ngày nay, tuy mặt trời đã không còn chiếu sáng mãi mãi trên lãnh thổ của đế quốc Anh nữa song ngôn ngữ và văn hóa Anh vẫn đang chiếu sáng khắp năm châu. Anh quốc vẫn là một trong những nước Tây u có nền kinh tế rất phát triển hàng đầu và sức ảnh hưởng không nhỏ đối với thế giới trên nhiều lĩnh vực.