Đại bản doanh của Hạm đội tàu nguyên tử Nga nằm ở cảng Muốc-man-xco, hải cảng nằm sau vòng Cực Bắc.
Tundra là rẻo đất cuối cùng của lục địa, sát các biển phía bắc địa cầu. Các biển này đóng băng hầu như quanh năm, thật dầy và bền vững. Biển băng trắng xoá bao quanh chỏm đầu của Trái đất, heo hút bóng tàu thuyền.
Nơi đây có một loại tàu thuỷ đặc biệt chuyên đi đập phá lớp băng đóng trên mặt biển, mở đường đi cho các đoàn tàu vận tải hàng hoá, đồng thời cứu hộ cứu nạn khi những con tàu khác bị nước biển đông lại đóng chặt cứng có khả năng bị băng giãn nở ép vỡ tàu.
Những chiếc tàu phá băng khổng lồ
Tàu phá băng đi trước phá vỡ hoặc xé lớp băng dày vài mét, làm các mảnh dạt ra hai bên. Còn các tàu vận tải hàng hoá thì bơi nối đuôi theo sau thành một hàng.
Tu tu xình xịch đi như thế suốt cả chặng đường đến mấy ngàn km để tới các cảng. Sau vài ngày khí hậu Bắc cực làm đóng băng trở lại, thì ông phá băng khác lại đi mở đường cho đoàn rồng rắn khác bơi theo. Cứ như vậy hầu như quanh năm các tàu làm việc không ngừng nghỉ.
Tàu phá băng đóng theo cỡ bề rộng sao cho nó quệt đủ một vệt vừa cỡ tàu chở hàng. Mũi tàu và đáy phía đầu phải thật dày cứng chịu được lực va đập vào lớp băng đóng cứng đơ đến vài ba mét trên mặt biển. Thành tàu cũng phải gia cố đặc biệt để không bị vỡ khi va chạm.
Nguyên tắc làm việc là tàu có cái mũi thoai thoải đặc biệt, cho phép nó phi trườn lên mặt lớp băng rồi đè xuống bằng sức nặng của mình làm vỡ băng ra thành những mảnh nhỏ, chân vịt cuối tàu quay làm băng dạt sang hai bên.
Cũng có cái tàu làm việc kiểu xé băng, thì do mũi dày nhọn sắc như cái cuốc chim, dũi vào lớp băng làm nứt toác rồi lại dũi sâu tiếp để xé tiếp ra. Tuy nhiên phương án lao trườn lên đè gẫy được dùng là chủ yếu.
Tàu phá băng có nhiều loại. Có những con tàu to đại khủng, cao bằng toà nhà 15 tầng, dài hơn 150 mét, rộng ba mươi mét chuyên đi đường ngoài.
Lại có những chiếc nhỏ hơn chuyên phá đường từ trong các cảng ra nối với đường ngoài. Rồi tàu nhỏ để chạy trong các vùng cửa sông nối với biển nơi nước nông.
Có tàu kéo các tàu lớn, lại có tàu chở dầu chở nguyên vật liệu cung cấp cho tàu lớn, tất cả đều biết phá băng cả.
Hạm đội tàu nguyên tử độc nhất của Nga
Các nước có vùng biển lạnh trên phía Bắc đều có đội tàu của mình, như Mỹ, Canada, Nga… Đa số tàu phá băng chạy bằng diezen, dùng dầu đốt hơi nước chạy để chạy tuốc bin.
Vì có một trở ngại là do tàu phá băng cần nhiều năng lượng nên chuyện cấp dầu cho tàu khá cách rách. Người Nga nghĩ ra làm tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân, họ là quốc gia duy nhất trên Thế giới có đội tàu này.
Con tàu đầu tiên được hạ thuỷ năm 1957, đưa vào sử dụng năm 1959 đặt tên Lenin (ở CCCP cứ cái gì to nhất hoành tráng nhất là được đặt tên cụ Lenin). Tàu dài 134m, rộng 27m, công suất 32 MW – 44 ngàn sức ngựa, tàu có hai lò phản ứng, dùng nguyên liệu phóng xạ Uran.
Tàu Lenin giờ đã hết hạn phục vụ, được dùng làm bảo tàng neo trên cảng Muốc-man-xco cho khách du lịch thăm quan.
Từ bấy đến nay lần lượt các tàu khác được đóng và đưa vào sử dụng thay thế nhau theo kiểu cuốn chiếu. Tuổi thọ trung bình là 30 năm hay hơn kém một chút. Thời điểm hiện tại có năm con tàu đang hoạt động, chạy tới chạy lui trên đường thuỷ phía bắc địa cầu.
Nguyên tắc làm việc của tàu phá băng nguyên tử là đặt một, hoặc hai lò phản ứng trong có các lõi nguyên liệu. Phản ứng phân rã xảy ra giải phóng năng lượng cực lớn, đun sôi nước bốc thành hơi 300 độ có áp suất rất mạnh. Hơi nước được đẩy vào tuốc bin làm quay máy phát điện. Máy phát tạo ra dòng điện 1000 volt dẫn vào quay mô tơ điện. Mô tơ điện quay trục truyền động tới chân vịt và bánh lái của tàu. Đại loại thế….
Những ưu điểm tuyệt đối của tàu phá băng nguyên tử một là nó cực kỳ khoẻ, hai là nó không cần phải tiếp nhiên liệu liên tùng tục như tàu chạy dầu. Bảy tám tháng một lần nó mới phải bỏ lõi phóng xạ cũ mà thay lõi mới. Bởi vậy năng lượng trên tàu đủ để tàu chạy trong điều kiện băng giá Bắc cực, nuôi thuỷ thủ đoàn trên dưới một trăm người gần cả năm trời không cần cập cảng.
Biển phương Bắc là đường giao thông rất quan trọng. Tàu thuyền qua lại chở dầu mỏ và gas từ các điểm khai thác mang phát tán đi khắp hành tinh, nên tàu phá băng nguyên tử thật là công cụ lợi hại.
Thêm nữa con đường biển vận tải vòng từ các châu lục qua phương Bắc làm giảm gần một nửa đường (14 ngàn km/24 ngàn km) so với hải trình vòng xuống phía nam, vòng qua kênh đào Xuy-ê, nơi có đám hải tặc Sômali luôn rình rập để cướp tàu.
Việc duy nhất khó khăn nơi này là vụ nước biển bị đóng băng thì đã được giải quyết bằng tàu phá chạy năng lượng nguyên tử. Vì thế hải trình phương Bắc sẽ là lối đi an toàn thuận tiện và tiết kiệm chi phí.
Đến hôm nay thì hạm đội tàu mang tên Rosatomflot ( Hạm đội tàu nguyên tử Nga) có 2 tàu 75 ngàn ngựa hai lò phản ứng, 2 tàu chuyên phá băng 50 ngàn ngựa một lò phản ứng, và 1 tàu chuyên dụng công ten nơ. Ngoài ra là những tàu phục vụ kỹ thuật cho năm chiếc này.
Đồng thời ba con tàu đời mới với kích cỡ lớn hẳn đang được đóng, dự định từ 2027 trở ra lần lượt được hoàn thành. Thế hệ tàu mới này công suất mạnh hơn, kích cỡ to hơn để mở đường cho các tanker (tàu chuyên dụng chở dầu) trên biển Bắc.
Đại bản doanh của Hạm đội tàu nguyên tử Nga nằm ở cảng Muốc-man-xco, hải cảng nằm sau vòng Cực Bắc. Nơi này vì có dòng biển nóng danh tiếng gulf stream chảy qua nên nước không đóng băng, phù hợp cho việc sửa chữa vận hành.
Một điều thú vị là con tàu phá băng nguyên tử mang tên 50 năm Chiến thắng không chỉ có công dụng phá băng dẫn đoàn tàu, mà nó còn chuyên dùng để chở các đoàn khoa học đi nghiên cứu Bắc cực và các đoàn khách du lịch theo tour vip đi trải nghiệm nữa.
Ba trong số năm con tàu năng lượng hạt nhân vinh danh các tundra phương Bắc Tai-mưr (Таимыр), Ya-mal (Ямал), Vai-gash (Вайгач).
Ta chỉ nghe tên đã tưởng tượng ra một vùng mênh mang sức mạnh thiên nhiên, nơi mà con người nhỏ bé cặm cụi cố gắng vui sống trong lòng Tạo hoá vĩ đại.
Ở Moscow cũng có tàu phá băng du lịch chở khách dạo chơi chạy suốt mùa đông trên sông Matxcova, tuy nhiên nó không nguyên tử.
Khám phá thêm về nước Nga:
- Vì sao Nga quyết tâm mở chiến dịch quân sự ở Ukraine?
- Quan điểm của Việt Nam về xung đột Nga – Ukraine
- Sự thật về cuộc sống ở ‘hành tinh’ Nga
- Đặc điểm con gái Nga và 10 điều thú vị khác tôi thấy ở “hành tinh Nga”
- Saint Petersburg – lịch sử dữ dội trong vẻ đẹp nguy nga