Những người làm cha mẹ đều có chung mong muốn sau này con mình sẽ có một cuộc sống thật là tốt.
Tuy vậy, đã bao giờ bạn tự hỏi một cuộc đời tốt sẽ bắt đầu khi nào chưa? Liệu đó là từ lúc một người đạt tới sự ổn định và có một gia đình hạnh phúc của riêng. Hay là từ lúc bạn có được một công việc danh giá với lộ trình thăng tiến rộng mở phía trước… Tôi nghĩ, một cuộc đời tốt, có thể bắt đầu từ trước khi bạn được sinh ra.
Cha mẹ chính là xuất phát điểm của con cái. Những tài sản và thành tựu mà bạn tích luỹ được trước khi có con, sẽ trở thành nền tảng của chúng. Những người bạn đầu tiên của con cũng có thể chính là con cái của những gia đình bạn thân mà cuộc đời này bạn may mắn có duyên kết giao. Những bài học cuộc đời đắt giá mà bạn giữ làm của riêng cũng sẽ trở thành bàn đạp tăng tốc trong hành trình cuộc sống của những đứa trẻ.
Nhưng mà cuối cùng thì, không phải ai cũng kết hôn khi đã chuẩn bị đầy đủ những điều kiện lý tưởng ấy. Những giới hạn của cha mẹ rồi cũng sẽ trở thành trở ngại của con cái trong những năm tháng đầu đời. Sự ngông cuồng ngỗ ngược của bạn khi lớn lên cũng sẽ là hậu quả mà cha mẹ phải gánh chịu. Khi một người sinh ra bạn, hoặc khi bạn sinh ra con cái, nhân quả của cả hai sẽ mãi bị ràng buộc với nhau.
Ngày trước, bà giáo dạy Sử của tôi từng nói rằng hãy cứ học đi, vì nếu bây giờ không học, sau này các anh chị sẽ còn bắt con cái phải học nhiều hơn. Câu nói ấy có thể không chính xác trong mọi trường hợp, nhưng khi lớn lên, tôi hiểu rằng vì sao nó đúng.
Những người từng cảm thấy rằng vì ngày xưa không học hay không có điều kiện mà mình không đạt được vị trí như bản thân mong muốn, không thắng được người khác khi ganh đua ngoài xã hội… rồi sẽ ép con cái phải học rất nhiều. Họ nghĩ rằng như vậy là tốt, là cho con cái tiền đề về một tương lai êm ấm và viên mãn.
Nhưng thực sự thì… những quyết định xuất phát từ một tổn thương trong tâm lý thường ít khi đưa được ai đến với một tương lai tích cực.
Nếu có dịp, và nếu có đủ can đảm, bạn có thể tìm hiểu về môi trường nuôi nhốt của những con bò và con lợn trong môi trường công nghiệp. Một con bò được nuôi nhốt có khoảng không để tồn tại là một cái chuồng bằng đúng kích thước cơ thể. Nó sẽ ăn, nằm và bài tiết trong đúng không gian đấy cho đến ngày bị dắt đi làm thịt. Chúng hoàn toàn không phải là những con bò được dạo chơi trên đồng cỏ, ngủ nướng dưới ánh mặt trời dịu êm như trong quảng cáo trên truyền hình.
Những đứa trẻ bị bắt phải học vượt chương trình, học đủ thứ môn năng khiếu mà chúng không có tố chất hay học thêm quá nhiều từ khi mới chỉ cấp một cũng giống như vậy. Chúng được yêu cầu rằng đến giờ phải ăn, đến giờ phải học và đến giờ phải ngủ. Chúng không được tự quyết định rằng mình có thích những thứ đó hay không, chúng chỉ biết vâng lời trong sự răn đe của người lớn rằng việc đó tốt cho tương lai.
Con người chúng ta là một sinh vật đơn giản. Chúng ta vui khi làm những gì mình thích và buồn khi phải gồng gánh những trách nhiệm mà trong đó mình không cảm thấy nó có ý nghĩa hay có liên quan gì tới tương lai bản thân mong muốn. Ở trong môi trường nuôi nhốt hiện đại, bệnh trầm cảm vì thế mà cũng bắt đầu xuất hiện nhiều ở độ tuổi tiểu học.
Những người tuyệt vời nhất mà tôi từng gặp trên đời hầu hết đều là những người chưa từng học đại học. Họ bỏ ngang một ngành mà mình được định hướng, để rồi tự lăn lộn, tự học hỏi, tự vấp ngã, tự đứng lên bằng nghị lực sống của mình. Họ trả giá để được học thứ mình thích, rồi cũng chấp nhận trả giá để đưa được sở thích ấy thành một thứ ra tiền. Cuối cùng thứ họ có là tự do, vì thế mà họ khác với tất cả những con người còn lại.
Trong hành trình ấy, họ mới thực sự học được rất nhiều, nhiều hơn những gì mà trường lớp nào có thể dạy được. Tôi nghĩ rằng đến một lúc, tất cả mọi người đều nên chấp nhận sự thật rằng những thứ đáng học nhất trên đời đều không được dạy ở trong trường học. Và sẽ chẳng có sự học nào được thẩm thấu toàn diện nếu như đó không phải là thứ mà tự chúng ta muốn học.
Sự giàu có cho người ta cơ hội để sớm trải nghiệm nhiều thứ vật chất trong đời. Nhưng sự nghèo khó lại là môi trường lý tưởng để một người phải rèn luyện khả năng độc lập và tự cường từ rất sớm. Không có thứ nào trong đó là thực sự tốt đến toàn diện. Chúng chỉ là hai xuất phát điểm khác nhau trên một đường thẳng mà sau cùng sẽ gặp nhau ở giữa.
Trong nhóm những người rất giàu luôn có những người đã từng rất nghèo, hoặc từng mất trắng. Họ ở đây ngày hôm nay thuần tuý là nhờ bản thân, nhờ nghị lực để sinh tồn được trong khó khăn và nhờ một niềm tin bất diệt vào tầm nhìn mà mình biết là sẽ xảy ra nếu bản thân dám cống hiến và hy sinh.
Dù sao thì, câu chuyện của chúng ta ngày hôm nay vẫn là về chuyện làm cha mẹ, về cách mà cha mẹ sẽ định hướng cuộc đời cho con cái. Giáo dục là một thứ rất tốt, nhưng nên được kiểm soát ở liều lượng phù hợp. Tôi tin rằng ở thời đại này, nền tảng giáo dục gia đình, cách chúng ta dạy những đứa trẻ làm người, còn quan trọng hơn giáo dục ở trường lớp.
Là người lớn, chúng ta không thể bắt trẻ con đi xây những ước mơ dang dở của cha mẹ được. Nếu bạn muốn con mình giỏi, đầu tiên hãy tự trở thành một người giỏi giang trước. Sau đó, nếu có một ngày con bạn cũng muốn bước chân vào cuộc hành trình phát triển bản thân như thế, hãy hướng dẫn cho chúng bằng hành động và tồn tại như một tấm gương sống rằng việc ấy có thể khó nhưng không phải bất khả thi.
Trẻ em cũng giống như một chiếc lá, việc của lá là xanh.
Trở thành cha mẹ tốt với các bài viết trong chuyên mục: Nuôi dạy con.
- Cha mẹ độc hại là gì? Biểu hiện và những kiểu cha mẹ độc hại
- 9 câu nói làm tổn thương con sâu sắc cha mẹ Việt thường mắc phải
- 4 kiểu cha mẹ đặc trưng và các kiểu con cái tương ứng
- 10 điều cha mẹ cần làm để nuôi dưỡng tâm hồn cho con trẻ
- 12 điều cha mẹ Việt Nam nên học từ cha mẹ Mỹ về cách dạy con