Cái khổ của giới tri thức hiện nay là quá nhiều thông tin, quá nhiều tri thức có thể truy cập cùng một lúc. Nó dễ rơi vào một tình trạng, não nạp quá nhiều nhưng thực chiến và năng lực thì chưa tới.
Nếu không nhận thức ra sớm thì dễ rơi vào một trạng thái mà tôi hay gọi là ‘lú’ chữ, nặng hơn là dễ ảo tưởng về bản thân. Khi đã có ảo phát sinh thì chắc chắn sẽ có khổ, dù về mặt tâm trí thì ta luôn nghĩ mình ổn… đến khi bước vào thực chiến cụ thể.
Thời gian vừa rồi, tôi có dạo qua vài group về tâm linh trên phây, điều đáng mừng là khá nhiều bạn trẻ đã bắt đầu ý thức hơn về việc tu tâm, dưỡng tánh, rèn luyện thân thể, hiểu các luật cơ bản của vũ trụ (như nhân-quả, luân-hồi, vô thường, hấp dẫn, v.v..)… Ít nhất là có khái niệm tương đối thì cũng đã gieo ít mầm để tâm thức phát triển lên từ từ rồi.
Tuy nhiên, điều đáng quan ngại là một số bạn bắt đầu bị lậm quá sâu vào các kiến thức này, rồi bắt đầu bước vào các tranh luận như các bậc Thầy tâm linh như kiểu đã quá hiểu quá rõ về vũ trụ này rồi vậy. Tôi nghĩ có vài bạn trẻ thực sự đạt đến trình độ đấy (do tích lũy từ vô lượng kiếp) nhưng trường hợp này không nhiều.
Hiểu biết về sự vận hành của vũ trụ thì tốt, hiểu các khái niệm, các tên gọi của Thượng đế cũng tốt luôn, hiểu cơ chế của vạn vật nhất thể (mọi thứ là một, chúng ta là một) cũng tốt, hiểu các nền tảng cốt lõi giữa các Đạo giáo cũng tốt.
Nói chung, kiến thức là tốt, nhưng phải cẩn thận, vì có thể cái hiểu biết đấy chỉ mới dừng về mặt thông minh của lý trí mà thôi. Hay nói cách khác, là cái hữu vi hữu ngã của bản ngã dựng lên, để đánh lừa chúng ta.
Cách để nhận biết những thiếu hụt này thì lại vô cùng dễ dàng, đó là họ biết tất cả nhưng nếu tâm họ vẫn khổ, vẫn phiền não thì đó là ‘không biết gì cả’ hoặc ‘biết chưa đủ’. Tự bản thân mình có thể kiểm tra hoặc để quan sát người khác.
Tôi ít khi quan tâm việc người ta biết gì, nói gì, phô diễn gì, cái tôi hay quan sát là thái độ của họ, cách họ phản ứng, cách họ quyết định trên từng tình huống rất bình thường trong cuộc sống. Thậm chí là những comment qua lại giữa họ với mọi người trên phây.
Từ những dữ kiện ấy thì chúng ta sẽ tương đối thấy được cái hiểu biết của người đó chỉ là cái thông minh của lý trí dựng lên hay là trí tuệ thực sự.
Thông minh lý trí của bản ngã, nó luôn muốn nó là đặc biệt, muốn mọi người công nhận, muốn là trung tâm của sự chú ý, nó không thích sự bình thường, nó thích sự khác biệt !
Hôm trước có bạn hỏi tôi: Đạo là gì? Nếu trả về mấy năm trước thì chắc tôi sẽ lôi ngay Đạo Đức Kinh của Lão Tử, Tứ diệu đế của Phật Giáo, kèm luôn cả Chí Tôn Ca của Krishna ra để giảng cho bạn ấy nghe ngay.
Nhưng sau này, tôi gần như hạn chế dùng các tri thức đó nữa, vì phải tùy đối tượng mà nói. Nhưng nhìn chung, nếu chưa có độ hiểu sâu sắc về đối phương thì khoan đưa các tri thức này ra, vì có 2 lý do:
Một, là cả bản thân tôi, cũng chỉ đang tiếp nhận các tri thức này dưới dạng trí khôn của bản ngã mà thôi. Tôi có thể nói, có thể phân tích, hoặc thuộc vanh vách nhưng vào game đời thực chiến thì tôi vẫn loay hoay, vẫn phân vân và vẫn đau khổ.
Hai, nếu nội lực đối phương chưa đủ mà đưa thuốc quá liều thì rất dễ bị shock thuốc hay tẩu hỏa nhập ma. Đó là đưa thuốc xịn mà còn bị shock, chứ nếu đưa thuốc dỏm thì toi luôn thằng ku.
Nên sau này, ai hỏi Đạo là gì, thì tôi chỉ trả lời ngắn gọn: ‘Đàng hoàng là Đạo’.
‘Đàng hoàng’ ở đây là tử tế, là biết cầu tiến, biết lắng nghe, biết nhận lỗi và sửa lỗi, chăm chỉ, và biết làm việc lành.
Xã hội hiện nay không cần thêm ‘Thánh nhân’ làm gì đâu, mà thực tế là cần thêm những người đàng hoàng, tử tế, biết điều.
Cứ tâm bình thường là Đạo, đừng để các tri thức cao xa làm mình trở thành người khác thường.
Mà để thành một người đàng hoàng và có tâm bình thường thì chỉ cần chăm thực hành những việc rất bình thường mà thôi:
– Ngủ sớm, dậy sớm, tập thể thao cho ta thân khỏe, tâm ổn định.
– Kiếm một công việc có ích cho mình và xã hội mà làm, rồi ráng mà chăm chỉ và cầu tiến sẽ có thu nhập để chăm lo bản thân và gia đình, rồi góp sức cho xã hội.
– Có sai thì sửa, nhưng đừng mắc cùng một lỗi quá nhiều lần. Ai sống trên đời mà không sai, chúng ta toàn trưởng thành từ sai lầm là chính.
– Mình sống thì cũng để cho người khác cùng sống, tử tế và biết điều với gia đình, vợ con, bố mẹ, bạn bè, đồng nghiệp và hàng xóm!
– Càng muốn hiểu Đạo thì càng phải hiểu Đời, vì Đạo không thể tách rời khỏi cuộc đời này. Chúng ta càng sống tử tế trong đời thì càng dễ đi vào cốt lõi của Đạo hơn. Còn ai nói Đạo là cái gì xa xôi thì kệ mẹ bọn nó.
– Hành động không vụ lợi, chúng ta làm gì thì hay quen kiểu ‘mình được gì trong việc này’, ai cũng thế, lúc nào cũng vì mình trước đã.
Nếu chúng ta đã hiểu nhân-quả rồi, thì làm gì cho ai mà không nhận lại gì thì liệu chúng ta có thiệt thòi không? Câu trả lời rõ ràng là ‘Không’, chẳng ai thiệt thòi trong cuộc đời này cả, rồi sẽ có món quà khác trả lại chúng ta bằng đường khác, lớn nhất là cái trí tuệ ta nhận được khi thực hiện hành động không vụ lợi.
– Một ngày rảnh thì bỏ ra 15-30 phút, thậm chí là 10 phút, ngồi yên, cho tĩnh lặng lại, cho nhịp sống chậm lại tý, rồi cho tâm nó relax, nó được hồi phục lại. Thể thao thì thân khỏe, thì ngồi tĩnh lặng là tâm khỏe.
Quy chung lại, cứ sống như một người bình thường, ăn ngủ bình thường đúng giờ đúng giấc, làm việc thì bỏ tâm đàng hoàng vào, ai góp ý thì tiếp nhận, đọc sách/nghe audio/xem phim/đi học để nạp kiến thức cũng rất tốt nhưng song song, phải thực hành và sống đàng hoàng đã.
Học thì quan trọng, nhưng học gì càng quan trọng hơn, nhưng khi đã học tất cả mà không hành gì cả thì sự học ấy chỉ là hoa lá cành.
Cứ đàng hoàng thì nó sẽ tự hút những thứ đàng hoàng khác tới vớichúng ta. Đạo chỉ đơn giản vậy thôi, chứ không bay chéo chéo, bắn phép liên hoàn như Tôn Ngộ Không đâu.
Chán đời, đi tu và sự bất ổn của cuộc đời
Trí tuệ trong tình yêu: làm thế nào để không bao giờ lụy tình?
–
MENBACK.COM