Nếu con hoặc cháu bạn nói lắp, đó không phải là thảm hoạ. Đứa trẻ sẽ vượt qua được, nếu ta giúp nó giải toả các vấn đề tâm lý…
Tôi phải thú nhận rằng, tôi đã từng là người nói lắp, và cái tật đó đã là một nỗi ám ảnh lớn trong cả tuổi thơ của tôi. Nói lắp không phải là một dạng bệnh lý không thể chữa khỏi, nhưng nó khiến những ai mắc tật đó rất mặc cảm.
Tôi nói lắp từ khi 4-5 tuổi gì đó, luôn cảm thấy có một đống ý nghĩ lộn xộn trong đầu mà nếu không nói ra thì quên ngay.
Sau này lớn lên, nói năng ổn rồi, nhớ lại những ngày đó mới hiểu cảm giác cái tật này đã cản trở mình và những người khác đến mức nào. Nó khiến người ta không tự tin khi mở mồm nói, và chính bởi vì lắp bắp mà nó càng khiến người ta kém tự tin hơn, vì sợ chê cười, vì sợ nói sai, vì lo lắng người ta không hiểu mình.
Tâm lý sợ phải nói hay làm gì trước đám đông cũng bắt nguồn từ đấy. Khi ấy, người ta chỉ muốn mình nhỏ lại hoặc biến đi đâu mất để không ai nhìn thấy.
Hồi đó tôi là thằng nghịch ngầm, rất lỳ khi bị cô giáo phạt, nhưng lại sợ phải nói trước lớp, không bao giờ dám nói lên điều mình nghĩ, vì sợ sai, và sợ nhất là người ta nhìn thấy những khiếm khuyết của bản thân.
Nói lắp thực ra là một câu chuyện tâm lý. Bạn càng cô độc, càng giấu mình đi trong một thế giới ngày trở nên sôi động, bạn càng đẩy mình vào những rắc rối và trở nên lộn xộn trong những ý nghĩ. Để thoát khỏi nó, bạn phải dũng cảm bước ra khỏi bốn bức tường và không ngại nói lên quan điểm của mình, bất kể đúng sai, cũng đừng ngại thừa nhận mình là ai.
Quan điểm “người ta sẽ không nói lắp khi nghĩ rằng không có ai nghe mình” thực ra chỉ đúng khi người ta có một mình, hoặc đứng trước đám đông mà không quan tâm đến họ nghĩ gì. Nó chỉ là một thứ AQ nhất thời tạo ra sự tự tin ảo. Nhưng đó cũng là bước đầu tiên để thoát hẳn khỏi những nỗi lo sợ nói lắp trước mọi người.
Tôi đã thôi nói lắp kể từ khi tôi đi làm báo, phải xuất hiện trên truyền hình, nhưng đó cũng là những năm tháng tôi rời khỏi tháp ngà cô độc của mình để bước ra thế giới.
Khi bạn không thể từ chối đứng trước lớp đại học thuyết trình một đề tài nào đó, khi bạn bị bắt buộc lên tiếng bảo vệ bản thân khi trên đường có kẻ bắt nạt bạn, khi bạn đứng trước camera và hiểu rằng, nếu cổ họng của bạn khô khốc, nỗi căng thẳng đang khiến bạn run rẩy nhưng bạn bắt buộc phải vượt qua tất cả vì nếu bạn thất bại, bạn không thể tồn tại trong môi trường truyền thông nữa… bạn không có cách nào khác ngoài việc tự chữa cho mình tật ấy.
Bạn suy nghĩ thấu đáo và sắp xếp ý tưởng trật tự hơn trước khi nói, bạn lấy hơi và tập đọc những bài báo tưởng như khô khan và nhàm chán nhất để điều chỉnh nhịp thở và ngắt câu cho đúng chỗ, bạn cũng không được sợ cảm giác bỗng nhiên có lúc nào đó nói lắp bắp làm bạn đỏ mặt và xấu .
Đó là cách mà tôi đã vượt qua tất cả. Nếu con hoặc cháu bạn nói lắp, đó không phải là thảm hoạ. Đứa trẻ sẽ vượt qua được, nếu ta giúp nó giải toả các vấn đề tâm lý…
Xem thêm:
- 12 dấu hiệu của một người có EQ thấp
- Cách để dễ dàng ngủ nhanh chỉ trong vòng 1 phút
- Vận động: Đừng cố quá thành quá cố!
–
MENBACK.COM